
Văn hóa Nhật Bản: Sự khác biệt thú vị giữa Kansai và Kanto
Văn hóa Nhật Bản thú vị, đa dạng bởi sự khác nhau giữa các vùng miền đặc biệt là khu vực phía Đông Kanto với vùng phía Tây Kansai. Nếu bạn mới sang Nhật và vẫn đang quen với văn hóa Việt Nam thì hãy tìm hiểu để tránh bị bỡ ngỡ nhé!

Kanto (関東) gồm những tỉnh Ibaraki, Tochigi, Gunma, Saitama, Chiba, Kanagawa và thành phố Tokyo.
Kansai (関西) gồm hai Phủ Osaka và Kyoto. Ngoài ra gồm các tỉnh Hyogo, Shiga, Nara, và Wakayama.
Vị trí đứng trên thang cuốn khác nhau
Khi đi thang cuốn, người Kanto sẽ đứng về phía bên trái, người Kansai sẽ đứng về phía bên phải, bên còn lại để trống dành cho người đang vội. Đây là điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa phía Đông và Tây Nhật Bản.
Có một vài ý kiến cho rằng vào thời Tokugawa, Edo (nay là Tokyo) là nơi tập trung nhiều samurai, những người này thường đi bên trái để dễ rút gươm bằng tay phải. Mặc khác, Osaka là thành phố tập trung nhiều thương gia giàu có, họ lại thích đi bên phải để dễ quản lý tiền bạc và bảo vệ tài sản được cầm bằng tay phải.
Vị trí đứng thang cuốn khác nhau giữa 2 vùng
Khi Osaka xây dựng nhà ga Hankyu Umeda vào năm 1968, hệ thống thang cuốn kéo dài từ tầng 1 đến tầng 3 nên trong khi di chuyển lên xuống rất dễ gây nguy hiểm, nhất là những người di chuyển vội vàng dễ va chạm sẽ gây ra nguy hiểm cho những người đang đứng. Đặc biệt người Nhật đa số thuận tay phải nên nếu đứng về phía bên phải sẽ thuận hơn cho việc bám chặt vào thành của thang cuốn, hạn chế tối đa nguy hiểm xảy ra.
Đèn giao thông ở Kansai
Không phải người dân Nhật Bản nào cũng đi đúng luật giao thông. Nhiều người ở Kansai có tính cách khá nóng vội và lanh chanh. Nếu đang chờ đèn đỏ mà trước mặt lại không có xe cộ đi lại thì họ sẽ nghĩ “Làm sao có thể đợi được?” và phóng qua luôn. Đèn đỏ giao thông ở Kansai dần dần không còn mang ý nghĩa “Dừng lại” nữa mà chuyển thành “Chú ý khi đi”.
Người Kanto thì dù có vội như thế nào nhưng do quá chú ý đến xung quanh mà họ không dám đi khi đèn chưa chuyển sang màu xanh.
Ghế trống trên xe điện
Văn hóa đi tàu điện 2 vùng khác nhau
Khi đi tàu điện ở Kanto, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp trường hợp một người đứng dậy khỏi ghế và chiếc ghế đó sẽ được để trống mãi mà không ai ngồi. Đó là do người ta có chủ ý không muốn ngồi vào mà muốn nhường ghế cho nhau.
Ở Kansai thì lại ngược lại, nếu có ghế trống kể cả là chỗ ưu tiên thì cũng sẽ có người ngồi kín. Người dân ở đây quan niệm rằng: Dù là ghế ưu tiên cũng không sao, miễn nhường ghế khi có người cao tuổi hoặc người khuyết tật lên xe là được.
Bắt chuyện với nhân viên cửa hàng
Ở Kanto, người dân sẽ không nói chuyện với nhân viên nếu không có việc gì cần thiết. Nếu có thì thường xuyên là ở những quán bar quen thuộc, hay ở cửa hàng tiện lợi, khi đặt hàng ở nhà hàng gia đình, hoặc mỗi khi có câu hỏi hoặc phàn nàn, còn lại thì gần như sẽ không nói gì cả.
Còn ở Kansai, người dân sẽ bắt chuyện với nhân viên cửa hàng kể cả khi không có chuyện gì. Họ sẽ nói những chuyện không đâu như 「今日、雨降りそうやな」 “Có vẻ trời sắp mưa nhỉ”. Thế nên nếu bạn có đang làm thêm tại các cửa hàng ở Kansai thì đừng quá ngạc nhiên khi có khách hàng bắt chuyện và cố gắng tiếp nối cuộc trò chuyện một cách vui vẻ. Việc khách hàng nói cảm ơn với nhân viên sau khi thanh toán cũng bắt nguồn từ vùng Kansai.
Văn hóa cảm ơn sau khi mua hàng của người Kansai
Nói chuyện cả với người không quen biết.
Điều tuyệt vời của người Kansai đó là họ không chỉ bắt chuyện với nhân viên cửa hàng mà họ bắt chuyện cả với người lạ mặt. Rồi cả những người khách du lịch, nếu đang cầm quyển hướng dẫn đi lòng vòng với vẻ mặt bối rối thì sẽ được những người Kansai bắt chuyện một cách thân thiện và giúp đỡ.
Điều bí ẩn xoay quanh mỗi nhà một máy làm Takoyaki ở Osaka
Hầu như ai đã tìm hiểu văn hóa Nhật Bản thì đều biết đến món ăn đường phố Takoyaki. Đây là món bánh được bắt nguồn từ Osaka và đã gắn liền với hình ảnh của Osaka.
Đã có một truyền thuyết cho rằng ở Osaka, mỗi nhà dân đều có một chiếc máy làm Takoyaki. Một câu chuyện nổi tiếng bên Nhật đó là khi hỏi mỗi một người dân Osaka, bạn sẽ đều nhận được câu trả lời giống nhau như “Nhà tôi thì có đấy nhưng mà nhà khác thì tôi không biết”.
Câu chuyện đã lan rộng đến mức mà có một bộ phận người nghĩ rằng “Nếu không có máy làm Takoyaki thì không phải người Osaka”.
Phản ứng khi mua quần áo
Khi thấy người khác mặc quần áo mới, phản ứng của người Kanto và Kansai khi nhìn thấy cũng khác nhau. Nếu là người Kanto thì họ sẽ hỏi 「それどこで買ったの?」(Bạn mua ở đâu thế?), còn người Kansai thì 「それなんぼで買うたん?」(Bạn mua bao nhiêu tiền thế?)
Người Kanto thì luôn hứng thú với những cửa hàng trang trí bằng những đồ dùng hoa lệ, trưng bày những món hàng đắt tiền. Trong khi đó người Kansai thì hầu như chỉ quan tâm đến việc mất bao nhiêu thì mình có thể mua được món đồ đó.
Cảnh sát
Câu khẩu hiệu của cục cảnh sát là 「あなたがまもる東京。」“Tokyo mà bạn sẽ bảo vệ”.
Còn của cảnh sát Osaka là 「行くぞっ!チカラの見せ所や!!」 “Tiến lên! Nơi bạn thể hiện chính mình”.
マック hay là マクド?
Chỉ là tên viết tắt của cửa hàng ăn nhanh McDonald nhưng giữa Kansai và Kanto cũng có sự khác biệt. Ở Kanto, McDonald được viết tắt là マック còn ở Kansai là マクド. Có thể điều này đã được quy định như thế từ trước rồi nên ngay cả báo chí cũng dùng tách biệt như vậy.
Người Kanto thì cho rằng “Sao phải mất công viết là マクド. マック có phải ngắn gọn và dễ dùng hơn không?”. Còn Kansai lại cho rằng “Viết như vậy sẽ gây rắc rối và nhầm lẫn với laptop Mac”.
Khu mua sắm mái vòm ở Kansai
Khu mua sắm mái vòm Kansai
Quang cảnh các khu phố mua sắm ở Kansai và Kanto hầu hết đều giống nhau. Điểm khác biệt ở đây đó là những mái vòm của khu phố. Những khu phố mua sắm có mái vòm để che đường thường xuyên xuất hiện ở Kansai. Việc có mái vòm được coi là thể hiện tinh thần phục vụ và tầm nhìn với việc coi trọng tính thiết thực của người Kansai.
Bạn thấy sao về sự khác biệt văn hóa Nhật Bản giữa 2 vùng Kansai và Kanto. Trên đây chỉ là một phần khác biệt nhỏ giữa 2 vùng. Theo dõi Kohi để biết thêm nhiều điều thú vị nữa nhé!
Nguồn: Sưu tầm.
---
Kohi Online - Giải Pháp Giỏi Tiếng Nhật Cho Người Bận Rộn!